Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt ở Việt Nam phát triển mạnh từ thời Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400), trong sách Nam Dược Thần Hiệu ngài tổng kết các kinh nghiệm Xoa bóp bấm huyệt như: xoa với bột gạo tẻ chữa chứng có nhiều mồ hôi, xoa với bột hoạt thạch và bột đậu xanh chữa rôm, xoa với bột cải ngâm rượu chữa đau lưng, xoa với rượu ngâm quế chữa bại liệt, đánh gió chữa cảm sốt.

Xoa bóp bấm huyệt hoạt động theo lí luận theo Y học cổ truyền gồm: cân bằng âm dương, điều chỉnh khí huyết tạng phủ, phục hồi chức năng vận động cân cốt, phục hồi và tăng cường hoạt động sống của cơ thể. Hiện nay Xoa bóp bấm huyệt được chia thành 4 mảng lớn là: Xoa bóp chữa bệnh, xoa bóp phục hồi sức khỏe, Xoa bóp trong chấn thương thể dục thể thao, xoa bóp thẩm mỹ.

Xoa bóp bấm huyệt là dùng lực của tay để tác động lên da, gân, cơ, khớp của con người để phát huy tác dụng. Các động tác Xoa bóp bấm huyệt cơ bản gồm: Xoa, Vuốt, Phân, Hợp, Véo (cuộn), Day, Miết, Nắn bóp, Đấm, Chặt, Lăn, Rung, Bấm huyệt

Tùy theo vùng cơ thể và bệnh lý mà bác sĩ sẽ lựa chọn động tác phù hợp. Thông thường sẽ xoa bóp theo vùng như: đầu cổ, cổ vai gáy, lưng, chi trên, chi dưới. Thời gian tác động cho mỗi vùng khoảng 10-15 phút.

Để tăng hiệu quả điều trị, các bác sĩ thường phối hợp Xoa bóp bấm huyệt với Vận động khớp. Vận động khớp thường áp dụng với bệnh nhân có giới hạn khớp, cứng khớp, nhằm mục đích giúp khớp hoạt động được tối đa biên độ bình thường của nó.

Một liệu trình điều trị tối thiểu là 5-7 ngày. Có bệnh nhân khỏi sau 2-3 buổi điều trị, có bệnh nhân cần duy trì 1-2 liệu trình. Tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn thời gian điều trị phù hợp.