Châm cứu

Châm cứu ra đời cùng lúc với sự hình thành nền Y học. Chữ Y theo nguyên nghĩa được tạo thành bởi 3 phần: 2 phần trên có 1 phần là mũi tên, 1 phần là bàn tay vung lên, còn phần dưới cùng chính là tượng trưng cho người thầy thuốc. Ghép 3 phần lại trọn nghĩa là người thầy thuốc dùng 1 vũ khí mạnh như mũi tên, kim để xua đuổi bệnh tật. Như vậy, Châm cứu đã có từ rất lâu đời và vẫn tiếp tục phát triển đến ngày hôm nay bởi tác dụng của nó càng ngày được làm rõ bởi các nghiên cứu khoa học.

Châm cứu là tên gọi chung 2 phương pháp điều trị Y học cổ truyền: Châm và Cứu.
Châm là dùng kim châm vào huyệt đạo trên cơ thể nhằm lưu thông kinh mạch, điều hòa khí huyết ngũ tạng. Mỗi huyệt đạo sẽ có chức năng riêng. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân mà chọn ra huyệt để kích thích. Tác dụng phổ biến nhất của Châm cứu là giảm đau, kháng viêm, phục hồi tế bào thần kinh.

Cứu là đốt một vị thuốc có tên là Ngải Cứu rồi dùng khói và sức nóng của nó để làm ấm vùng cơ thể cần điều trị, có tác dụng dãn mạch, thư giãn cơ, tăng tuần hoàn. Theo Y học cổ truyền, Cứu có tác dụng xua đuổi Hàn tà, làm lưu thông kinh mạch, ôn dưỡng khí huyết.
Hiện nay các bác sĩ sử dụng loại kim châm siêu nhỏ đường kính chỉ từ O.1mm, chất liệu kim loại không rỉ, có độ bền cao, đã qua xử lí vô khuẩn để châm cứu. Vùng da châm cứu được sát khuẩn bằng cồn 70 độ, bác sĩ dùng kim châm vào huyệt đến khi bệnh nhân có cảm giác “đắc khí” (là cảm giác thốn, nặng, tức vùng châm kim), sau đó có thể tiếp tục vê kim (se kim, búng kim) để tăng kích thích, lưu kim 15-20 phút rồi rút ra, sát khuẩn da lại lần nữa là kết thúc. Kim châm cứu được sử dụng 1 lần duy nhất, không sử dụng lại.
Một liệu trình điều trị tối thiểu là 5-7 ngày. Có bệnh nhân khỏi sau 2-3 buổi điều trị, có bệnh nhân cần duy trì 1-2 liệu trình. Tùy theo tình trạng bệnh của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn thời gian điều trị phù hợp.